Năm trụ cột cốt lõi của Marketing qua mạng xã hội. Tiếp_thị_truyền_thông_xã_hội

Chiến lược

Như đã đề cập ở phần trên, ngày này các kênh mạng xã hội ngày một phát triển và trở nên phức tạp hơn, trước khi bắt đầu thực hiện một chiến dịch marketing trên mạng xã hội thì việc vạch ra chiến lược cụ thể vẫn luôn là một điều quan trọng. Chiến lược không chỉ đơn thuần là đăng ký tài khoản Twitter hoặc gửi bài viết cho Digg. Chiến lược bao gồm lập kế hoạch, đặt mục tiêu, quyết định những gì cần đo lường để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu đó, xác định cách thu hút khách hàng,...[6] Đầu tiên doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu kinh doanh, để làm được điều này doanh nghiệp cần xem xét kỹ nhu cầu tổng thể của công ty và quyết định cách doanh nghiệp muốn sử dụng các kênh mạng xã hội để tiếp cận khách hàng[7]. Sau đó xem xét đâu là nền tảng mạng xã hội mà doanh nghiệp muốn tập trung vào, tốt hơn là chọn một vài nền tảng mà đối tượng khách hàng đang hoạt động tích cực vì các loại nội dung khác nhau đòi hỏi lượng thời gian hoặc ngân sách đầu tư khác nhau.[8] Tiếp theo, doanh nghiệp cần suy xét xem loại nội dung nào nên được chia sẻ để có thể thu hút tốt nhất đối tượng khách hàng, đó có thể là dạng nội dung hình ảnh (với tính trực quan cao), hoặc video (với khả năng truyền tải thông điệp sinh động),...

Lập kế hoạch và xuất bản

Xuất bản trên phương tiện mạng xã hội đơn giản là đăng bài viết, hình ảnh hoặc video trên nền tảng (platform) của mạng xã hội đang sử dụng.

Để bài đăng có thể tiếp cận cũng như thu hút được các đối tượng mong muốn, doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch trước thay vì xuất bản nội dung của mình một cách tự nhiên. Bảng kế hoạch bao gồm các nội dung chính tương ứng với ngày giờ đăng tải trong một khoảng thời gian nhất định.

Lịch đăng bài ổn định khi được lên kế hoạch trước cùng với tính nhất quán trong nội dung cao sẽ tạo cho doanh nghiệp tác phong chuyên nghiệp, người xem cảm giác tin tưởng hơn.

Một bài đăng có nội dung chất lượng bao gồm các tiêu chí như: thông tin bổ ích, dễ dàng chia sẻ, có thể tương tác và có liên quan đến đối tượng mục tiêu. Bài đăng sẽ trở nên trực quan hơn khi gắn liền với hình ảnh hoặc video thay vì là văn bản đơn thuần.

Theo Kissmetrics (một công ty phân tích trang web), các bài đăng trên Facebook với hình ảnh chất lượng nhận được nhiều lượt thích hơn 53%, số lần nhấp nhiều hơn 84% và mức độ tương tác (bình luận) nhiều hơn 104% so với nội dung dựa trên văn bản.[9]

Thêm vào đó, để tối ưu hóa phạm vi tiếp cận của các bài đăng thì ngoài nội dung thì bạn phải cần chú ý đến thời điểm và tần suất xuất bản của mình.

Lắng nghe và tương tác

Khi thực hiện công cụ Marketing qua mạng xã hội, doanh nghiệp phải lắng nghe và tương tác không chỉ với khách hàng của mình mà còn cả với cộng đồng trên mạng xã hội. Điều này rất quan trọng vì Word of Mouth Marketing (Marketing truyền miệng) trong thực tế có sức ảnh hưởng 10 lần thì trên nền tảng mạng xã hội sự ảnh hưởng này có thể lên đến 100 lần, do môi trường mạng xã hội là nơi các câu chuyện được lan truyền nhanh và xa hơn. Doanh nghiệp càng nổi tiếng đồng nghĩa với việc các cuộc trò chuyện, đánh giá có đề cập đến thương hiệu của doanh nghiệp càng nhiều hơn; những lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ cũng tăng.

Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đều có thể bàn tán đến doanh nghiệp của bạn mà bạn không hề hay biết. Nhưng bạn có thể kiểm tra xem công chúng đang nói gì về doanh nghiệp thông qua các từ khóa liên quan đến doanh nghiệp hoặc sử dụng các công cụ Social Listening. Nhưng chắc chắn rằng những thứ bạn tìm thấy sẽ không phải là tất cả.

Khi người tiêu dùng và những người hâm mộ tương tác với doanh nghiệp thì họ cũng mong muốn nhận lại được sự phản hồi của doanh nghiệp. Từ những công cụ trên, doanh nghiệp có thể theo dõi, tương tác với cộng đồng đang quan tâm đến thương hiệu của mình, làm họ ngạc nhiên và thích thú khi họ đang có cảm xúc tích cực với doanh nghiệp hoặc ngược lại hỗ trợ và khắc phục các tình xuống, cảm xúc tiêu cực để mọi chuyện không trở nên tồi tệ hơn.

Phân tích

Trong khi Marketing truyền thống rất khó để đo lường thì việc này lại tương đối dễ dàng đối với hoạt động Marketing trên nền tảng mạng xã hội.

Các nền tảng mạng xã hội chỉ cung cấp một phần dữ liệu cơ bản, doanh nghiệp muốn có được các thông tin từ các dữ liệu thứ cấp này doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phân tích có sẵn, chẳng hạn như phân tích bộ đệm. Ngoài ra, Google Analytics có thể được sử dụng như một công cụ tuyệt vời sẽ giúp doanh nghiệp xác định các kỹ thuật tốt nhất, cũng như xác định chiến lược nào tốt hơn nên từ bỏ. Một vài số liệu cần theo dõi:

  • Tỷ lệ tham gia trang
  • Click-through rates (tỷ lệ nhấp)
  • Conversion rates (tỷ lệ chuyển đổi)
  • Lượng truy cập từ mạng xã hội đến Website
  • Số lượng tiếp cận, thích, bình luận, chia sẻ bài đăng.

Luôn đào sâu vào các con số để hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không. Dựa trên dữ liệu và phân tích chúng, doanh nghiệp có thể linh hoạt trong chiến lược, thay đổi tính năng cũng như thuật toán sao cho đạt được mục tiêu đặt ra từ ban đầu.

Quảng cáo

Khi doanh nghiệp chi nhiều ngân sách hơn để phát triển Marketing qua mạng xã hội thì quảng cáo truyền thông qua mạng xã hội sẽ là một lĩnh vực đáng được cân nhắc. Quảng cáo truyền thông xã hội giúp tiếp cận các đối tượng khách hàng rộng hơn so với những khách hàng đang có của doanh nghiệp.

Để tối ưu ngân sách, doanh nghiệp có thể xem xét, kiểm tra hiệu quả quảng cáo thông qua những mạng xã hội miễn phí; nếu đạt được lượng tương tác hiệu quả thì tiếp đến có thể sử dụng các dịch vụ tính phí của mạng xã hội đó. Các dịch vụ này cũng có thể quảng cáo chọn lọc các đối tượng dù là nam nữ, độ tuổi hay khu vực sinh sống,... Đây là cách thức quảng cáo hiệu quả giúp doanh nghiệp phân loại được khách hàng mục tiêu để tập trung vào.

Khác với quảng cáo trên truyền hình bằng cách phát đi phát lại một tin quảng cáo để nhắc nhở người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu. Marketing qua mạng xã hội lại chú trọng vào sự sáng tạo và đổi mới trong cách truyền tải nội dung và thông điệp mà nhãn hàng muốn đem đến cho khách hàng.

Ngày nay, trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động là vô cùng phổ biến. Việc tạo ra những thiết kế phù hợp với thiết bị này là điều doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những quảng cáo mới.